Mâm cơm ngày Tết ở miền Trung có món gì đặc biệt?

2090

Tết cận cần, những người con xa quê bắt đầu tất bật với việc thu xếp công việc, khăn gói lên xe, tàu lửa về quê. Dịch bệnh càng khiến hành trình trở về thêm muôn phần khó khăn. Tuy nhiên, dù thế nào, mọi nỗ lực vẫn mong rằng sẽ được trở về với người thân gia đình, quây quần bên mâm cơm ấm cúng. 

Có bao giờ bạn tò mò về mâm cơm ngày Tết ở từng vùng miền Bắc, Trung, Nam của nước ta chưa? Nếu có, hãy theo dõi bài viết những món ăn không thể thiếu trong mâm cơm của người miền Trung vào ngày Tết để giải đáp thắc mắc nhé. 

Món ăn không thể thiếu trong mâm cơm của người miền Trung. (Ảnh: Internet)

Món ăn không thể thiếu trong mâm cơm của người miền Trung. (Ảnh: Internet)

Mâm cơm ngày Tết ở miền Trung có món gì ngon?

Nhắc đến miền Trung hẳn ai cũng nghĩ tới một vùng đất chịu thương chịu khó, vất vả gian nan, phải gánh chịu nhiều thiên tai, lũ lụt của thiên nhiên. Thế nhưng, con người nơi đây đã sớm làm bạn với thiên nhiên và kiên trì làm lụng để hưởng một cái Tết ấm no. Vì thế, mâm cơm ngày Tết ở miền Trung vừa mang nét đơn sơ, giản dị, lại đậm đà hương vị lúa non. 

Bánh thuẫn

Nếu muốn biết Tết đã về chưa, hãy cứ về những ngôi nhà ở miền Trung mà ngửi hương thơm bánh thuẫn quyến rũ nơi cánh mũi bạn nhé. Bánh thuẫn hay còn gọi là bánh thửng, là món bánh được người dân miền Trung làm để dâng lên bàn thờ gia tiên vào những ngày giáp Tết. Từng mẻ bánh thuẫn vàng nâu thơm nức mũi được đặt trong chiếc rổ con có lót miếng giấy báo, hẳn là hình ảnh quen thuộc của bất kỳ người con miền Trung nào. 

Bánh Tét 

Nếu như bánh chưng là món ăn truyền thống ở xứ Bắc thì bánh tét lại là món ăn đặc sản ở miền Trung và miền Nam. Tuy nhiên, bánh Tét miền Trung lại có vẻ đẹp giản dị, đời thường hơn hẳn. Không có quá nhiều màu sắc, cầu kỳ, bánh tét miền Trung đôi khi chỉ có một vài lon nếp gói với đậu xanh trong lá chuối xanh mướt. Vài đòn, lại chẳng cần nhân. Vì thế mà những ngày ra Giêng, người ta hay thấy dĩa bánh tét chiên giòn rụm ăn kèm với củ kiệu ngon hết sẩy. 

Dưa món 

Miền nào cũng đều có dưa món, tuy nhiên, hương vị cay nồng của dưa món ở miền Trung “sỏi đá khô cằn” thì không lẫn vào đâu được! Dưa thường được làm từ đu đủ xanh, cà rốt, hành kiệu, ớt, tỏi kết hợp với nước mắm ngọt mặn. Dưa món thường được kết hợp với các món ăn vừa chống ngán lại vừa gia tăng cảm giác thèm ăn, như bánh tét chiên, gà, lợn, giò chả…

Giò bò – nem chua

Nếu như ở mâm cỗ miền Bắc, giò lợn được nhiều người yêu thích thì ở mâm cơm miền Trung, món giò bò lại trở thành món ăn không thể thiếu. Mùi vị mặn nồng, giòn dai kết hợp với cay nồng của tiêu khiến món ăn này hấp dẫn nhiều thực khách đến chơi nhà ngày Tết. Đây còn được xem là một món chả đặc sản trong mâm cơm của người Đà Nẵng. 

Tuy nhiên, sẽ thật thiếu sót nếu không kể đến những miếng nem chua được gói ghém trong lá ổi hoặc lá chùm ruột thường xuất hiện ở mâm cơm ngày Tết. Hương vị chua chua tự nhiên mà nhẹ nhàng khiến bất kỳ ai nếm thử cũng đều nhớ mãi. Có lẽ vì lẽ đó mà bất kỳ ai nếm thử qua đều bị “ghiền” món này. 

Thịt heo ngâm nước mắm

Thịt heo ngâm nước mắm là một trong những cách muối thịt lâu đời và phổ biến ở nhiều tỉnh của miền Trung. Vào những mùa lũ lụt ở miền Trung, người dân thường ngâm thịt trong hũ mắm ngon để trong chái bếp nghi ngút khói. Vị ngọt béo của thịt heo ngâm nước mắm ngon được ủ qua nhiều tháng trời hẳn sẽ không thể nào quên trong tâm khảm của bất kỳ ai thưởng thức món này. Món ăn này sẽ khá thơm ngon khi ăn kèm với cơm ngày Tết. 

Thịt heo ngâm mắm là món ăn đãi khách của người dân miền Trung vào những ngày Tết. (Ảnh: Internet).

Thịt heo ngâm mắm là món ăn đãi khách của người dân miền Trung vào những ngày Tết. (Ảnh: Internet).

Bánh lăn

Vào những ngày cận Tết ở miền Trung, nếu có dịp ghé qua, bạn sẽ ngửi thấy mùi hương bột cùng với dầu chuối thơm nức mũi khi người dân làm bánh lăn. Bột nếp làm bánh sự tổng hòa giữa các hương vị cà chua, quất, cà rốt, bí đao, chuối gừng, bí đao. Những loại nếp này sẽ được rang kỹ, xay thành bột hoặc giã nhuyễn sau đó trộn đều với nước đường. Tuy nhiên, cái tên bánh lại xuất phát từ thao tác lăn bánh liên tục để tạo hình trụ dài. Sau đó, chiếc bánh sẽ được cắt ra thành từng khoanh nhỏ xếp xinh xắn lên dĩa và dâng lên bàn thờ cúng gia tiên. 

Bánh tổ

Bánh tổ là một trong những món được người dân xứ Quảng dâng lên bàn thờ Tổ Tiên. Nguyên liệu để thực hiện món bánh này thường là gạo, đường, gừng, mè trắng… Nếu bạn có dịp đến chơi nhà ở những vùng miền Trung, thường sẽ được mời món bánh này. Hương vị béo ngậy trong từng miếng bánh hơi cứng sẽ mang lại một trải nghiệm đặc biệt cho bạn. Ngoài ra, bạn có thể chiên với dầu phụng hoặc nướng trên than hoa để thưởng thức. 

Tôm chua

Nếu một lần đến xứ Huế mộng mơ vào ngày Tết, bạn sẽ không thể nào quên hương vị quyến rũ của món tôm chua kết hợp với thịt lợn và dưa giá. Sẽ thật tuyệt vời nếu bạn cuốn bánh tráng mỏng với xà lách, khế, dưa giá, húng quế… kèm một miếng thịt lợn, một con tôm chua, chấm thêm chén nước mắm tỏi ớt ngon đúng điệu. Để làm nên món tôm chua này, người dân xứ Huế thường sử dụng loại tôm sông, tôm đất thay vì các loại tôm ngoài biển. Sau đó, những loại tôm nay được ngâm trong nước phèn chua, rượu gạo và hòa quyện trong các loại nguyên liệu đặc trưng khác như tôm, xôi, măng vòi, tỏi, ớt, củ riềng, nước mắm ngon hoặc muối… 

Trên đây là những món ăn truyền thống trong mâm cơm ngày Tết ở miền Trung. Hy vọng rằng bài viết này đã cung cấp cho bạn kiến thức hữu ích để bạn hiểu hơn về nét đẹp ẩm thực Việt ở miền Trung quê ta. 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN:



Mình là Lê Phương - Tốt nghiệp chuyên khoa về Công Nghệ Y Tế, hiện đang là chuyên viên tư vấn sản phẩm thiết bị y tế, người sáng tạo nội dung cho website Siêu Thị Y Tế. Với kinh nghiệm viết content nhiều năm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, mình hy vọng những thông tin trong các bài viết sẽ mang đến cho người đọc những kiến thức chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tốt nhất