Huyết áp cao vô căn là gì? Huyết áp cao vô căn thường xuất hiện ở những đối tượng nào? Cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả bệnh huyết áp cao vô căn? Hãy cùng tìm hiểu thông tin về căn bệnh huyết áp này ở bài viết dưới đây của Siêu Thị Y tế.
Huyết áp cao vô căn là gì?
Huyết áp là lực áp suất do tim tạo ra lên thành động mạch nhằm vận chuyển máu đi nuôi cơ thể. Huyết áp của một người khỏe mạnh sẽ là dưới 140/90 mmHg, thông thường là 120/80 mmHg. Nếu huyết áp cao hơn 140/90 thì người đó đang gặp tình trạng tăng huyết áp.
Huyết áp cao vô căn hay còn gọi là huyết áp cao nguyên phát là một dạng của bệnh cao huyết áp nhưng không thể xác định nguyên nhân gây bệnh. Theo thống kê của các chuyên gia tim mạch, hầu hết các trường hợp tăng huyết áp đều thuộc dạng tăng huyết áp vô căn. Chỉ một số ít trường hợp tăng huyết áp xác định được nguyên nhân, thường tới từ các bệnh nền liên quan đến tim, thận, mắt.
Nguyên nhân gây ra huyết áp cao vô căn
Trong những nguyên nhân được xác định gây ra bệnh lý huyết áp cao vô căn, di truyền được coi là yếu tố hàng đầu. Nếu trong gia đình có bố hoặc mẹ bị huyết áp cao vô căn thì tỉ lệ con cái cũng mắc huyết áp cao nguyên phát sẽ lớn hơn rất nhiều.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác dẫn đến tăng huyết áp vô căn như:
- Khẩu phần ăn quá mặn, ít Kali
- Người bị béo phì, thừa cân
- Nhân viên văn phòng, người ít vận động
- Lối sống không lành mạnh, lạm dụng thuốc lá, rượu bia
- Thường xuyên căng thẳng, stress không kiểm soát được
Những biến chứng của huyết áp cao vô căn
Những người mắc bệnh lý huyết áp cao vô căn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng, thậm chí là tử vong.
Một số biến chứng của bệnh huyết áp cao vô căn có thể kể đến như:
- Tổn thương động mạch vĩnh viễn: Huyết áp cao khiến động mạch ít co giãn và xơ cứng hơn. Lúc này, cholesterol trong máu sẽ tích tụ ở động mạch dễ dàng hơn, từ đó gây xơ vữa động mạch hoặc xơ cứng động mạch, gia tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
- Biến chứng tim: Tăng huyết áp xảy ra khi lực đẩy của máu mạnh hơn bình thường, tim phải hoạt động quá sức. Áp lực mạch máu càng cao nghĩa là cơ tim đang phải bơm liên tục, tốn sức hơn. Nếu tình trạng này xảy ra trong thời gian dài, tim sẽ bị giãn nở khiến nguy cơ suy tim, rối loạn nhịp tim, đột quỵ tăng lên.
- Biến chứng não bộ: Để não bộ hoạt động bình thường cần có màu giàu oxi từ tim bơm đến. Huyết áp cao vô căn sẽ khiến lượng máu đến não giảm, gây ra tình trạng thiếu máu não.
- Một số biến chứng khác: Suy thận, phù đáy mắt, giảm thị lực, mù vĩnh viễn, giảm khả năng ghi nhớ và suy đoán là những biến chứng có thể xảy ra ở người mắc bệnh huyết áp cao vô căn.
Triệu chứng của huyết áp cao vô căn
Triệu chứng của huyết áp cao vô căn rất ít và không rõ ràng. Đây là lý do khiến nhiều người mắc căn bệnh này nhưng không hề phát hiện ra, cho đến khi gặp những biến chứng nặng liên quan đến tim mạch hoặc đột quỵ.
Các triệu chứng thường thấy nhất khi bị huyết áp cao vô căn gồm: đau đầu, chóng mặt; chảy máu cam, thị giác thay đổi, tức ngực, khó thở.
Các phương pháp chẩn đoán huyết áp cao vô căn
Kiểm tra huyết áp thường xuyên là phương pháp tốt nhất để biết được bản thân có bị huyết áp cao vô căn hay không. Chỉ số huyết áp lý tưởng nhất là 120/80 mmHg trong đó:
- 120 là chỉ số huyết áp tâm thu nhằm đo áp suất của máu lên thành động mạch khi tim bơm máu.
- 80 là chỉ số áp suất tâm trương nhằm đo áp suất của máu lên thành động mạch khi cơ tim giãn.
Chỉ số huyết áp sẽ dao động trong nhiều trường hợp như sau khi bạn hoạt động mạnh hoặc khi căng thẳng. Vì vậy, để đưa ra chẩn đoán chính xác, bạn cần dựa trên 2 – 3 lần đo huyết áp. Nếu các lần đo đều cho kết quả ≥ 120/80 mmHg, nghĩa là bạn đang bị huyết áp cao.
Sau đó, bạn sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm liên quan nhằm tìm ra nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp như: Xét nghiệm máu, siêu âm tim, điện tâm đồ, kiểm tra chức năng thận. Trong trường hợp sau khi kiểm tra nhưng không tìm ra nguyên nhân, bạn sẽ được chẩn đoán mắc huyết áp cao vô căn.
Điều trị và kiểm soát
Việc điều trị bệnh huyết áp cao vô căn tương đối phức tạp bởi chúng ta không biết chính xác nguyên nhân gây bệnh. Với trường hợp bệnh nhẹ, bệnh nhân sẽ được khuyên thay đổi thói quen sống, tập thể dục đều đặn, hạn chế các chất kích thích, bổ sung nhiều chất xơ, vitamin, đạm, mỡ thực vật, giảm muối trong khẩu phần ăn.
Với trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân bắt buộc phải sử dụng thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế canxi, nhóm thuốc chẹn beta, nhóm thuốc tác động lên thần kinh trung ương,… Đồng thời cũng cần thực hiện thói quen sống lành mạnh.
Phòng ngừa huyết áp cao vô căn
Dưới đây là một số giải pháp phòng ngừa huyết áp cao vô căn mà bạn có thể tham khảo:
Thay đổi lối sống
Các bác sĩ thường đưa ra khuyến nghị rằng bệnh nhân cần đổi sang một lối sống lành mạnh nhằm giảm huyết áp. Cụ thể:
- Giảm cân nếu bạn đang trong tình trạng thừa cân. Ưu tiên duy trì chỉ số BMI (tỉ lệ giữa cân nặng và bình phương chiều cao) trong khoảng 18,5 – 22,9.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống ưu tiên chất xơ, đạm, giàu kali và ăn nhạt. Hạn chế tối đa sử dụng các chất kích thích tới từ rượu bia, thuốc lá.
- Thay đổi thói quen vận động, tập thể dục đều đặn hơn (ít nhất 150 phút/tuần) bằng các bài tập phù hợp như bơi lội, yoga, đạp xe,…
- Hạn chế thức khuya và căng thẳng quá độ.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Kiểm tra sức khỏe định kỳ là phương pháp tối ưu nhằm phát hiện sớm không chỉ bệnh huyết áp cao vô căn mà còn các bệnh lý nguy hiểm khác. Thông qua kết quả khám bệnh, bác sĩ sẽ có những đánh giá về tình trạng sức khỏe của bạn đồng thời đưa ra những dự báo và lời khuyên nhằm cải thiện những nguy cơ gây bệnh.
Bài viết trên đã cung cấp câu trả lời cho thắc mắc huyết áp cao vô căn là gì? Những biến chứng do huyết áp cao vô căn đem lại là vô cùng nguy hiểm. Phòng bệnh bao giờ cũng nhẹ nhàng và hiệu quả hơn chữa bệnh. Vì vậy, nhận biết và điều trị sớm căn bệnh này sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ. Bên cạnh đó, duy trì một lối sống lành mạnh.