Kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam là nơi lưu giữ tinh hoa trí tuệ dân tộc trong suốt tiến trình lịch sử hình thành, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, nhiều câu nói vẫn còn giá trị giáo dục đến tận ngày nay. Hôm nay hãy cùng Siêu Thị Y Tế đàm luận về bài học giáo dục từ câu nói “Học ăn, học nói, học gói, học mở” nhé!
Ai cần phải tiếp thu bài học giáo dục từ câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở”
Hầu như tất cả mọi người đều là đối tượng của câu tục ngữ tuy đơn giản nhưng ý nghĩa thâm thúy này. Vì sao? Nếu bạn là phụ huynh đang răn dạy con cái, “Học ăn, học nói, học gói, học mở” mở ra bài học phong phú về cách thức đối nhân xử thế, giao tiếp trong xã hội. Từ câu nói này, bạn có thể cùng con cái học hỏi được nhiều điều hay lẽ phải, giúp bé có được cái nhìn thấu đáo hơn về ứng xử đối với người khác.
Trong trường hợp chính bản thân bạn đang gặp vấn đề, “Học ăn, học nói, học gói, học mở” giúp bạn có thêm điểm tựa từ kinh nghiệm sống mà ông cha để lại. Do đó, có thể nói, câu tục ngữ trên mang đến lợi ích gần như cho mọi người. Và bất cứ ai, bất cứ khi nào và ở đâu đều có thể tìm thấy bài học giáo dục đầy ý nghĩa từ câu nói trên. Tuy vậy, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn giới hạn đối tượng mà câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở” hướng tới là trẻ em để tránh sự sa đà, dài dòng không đáng có.
Học ăn – Liệu có đơn giản chỉ là chuyện “ăn uống”
Câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở” xuất hiện hình thức tu từ điệp ngữ với sự xuất hiện của từ “học”, đi kèm 04 động từ “ăn, nói, gói, mở”. Mỗi một sự kết hợp mang đến một câu chuyện giáo dục khác nhau. Ngay sau đây, hãy cùng chúng tôi đến với câu chuyện đầu tiên – Học ăn.
Hoạt động “ăn” dường như xuất hiện trong hầu hết các sự kiện cộng đồng trong văn hóa Việt Nam. Hình ảnh “mâm cỗ, sân đình” rất quen thuộc trong lịch sử và văn học dân gian. Ngôn ngữ Việt Nam cũng có kho từ vựng rất phong phú liên quan đến hoạt động ăn uống. Những chi tiết trên minh chứng cho sự phổ biến cũng như vai trò của hoạt động “ăn uống” trong việc hình thành văn hóa ứng xử, nhân cách con người của dân tộc ta. Như vậy, “ăn uống” thể hiện văn hóa ứng xử, góp phần hình thành nhân cách con người từ lúc nhỏ ra sao?
Trẻ em Việt Nam được cha mẹ cho tham gia bữa ăn gia đình từ sớm, góp phần hình thành thói quen ăn uống đúng giờ và tôn trọng giờ giấc của người khác. Đồng thời, thói quen không chỉ tốt về mặt đạo đức mà còn giúp bảo vệ sức khỏe tiêu hóa của trẻ. Bên cạnh đó, nhiều trẻ đã hình thành thói quen xấu như vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại hay máy tính bảng. Cha mẹ cũng bận rộn nên xem đây là cách giúp trẻ dễ ăn, ngồi yên. Đây thật sự là sự nuông chiều nguy hại, góp phần hình thành thói quen ỷ lại vào cha mẹ khi ăn, thói quen bỏ bữa ăn và đặc biệt là thói quen thiếu tập trung khi làm một việc nào đó ở trẻ. Hành vi này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động tiêu hóa của trẻ.
Đối với trẻ từ 6 tuổi trở lên, nhiều bậc phụ huynh quên nhắc nhở con cái về việc phân chia thức ăn sao cho hợp lý khi tham gia bữa ăn nhiều người. Trẻ vô tư gắp thức ăn ngon, ăn nhiều hơn nhu cầu, chỉ ăn món mình thích. Hành vi này được xem là biểu hiện thiếu giáo dục từ trong gia đình, dẫn đến phán xét tiêu cực của người khác đối với trẻ. Việc tiêu thụ không đồng đều các chất dinh dưỡng cũng dẫn đến các bệnh lý như béo phì, tiểu đường, mỡ trong máu… Như vậy, “Học ăn” mang đến bài học giáo dục quan trọng đối với trẻ nhỏ về văn hóa ứng xử trên bàn ăn cũng như giá trị sức khỏe đằng sau khi có hoạt động ăn uống đúng cách.
Học nói – Giao tiếp ứng xử được lòng mọi người
Bên cạnh “ăn”, “nói” cũng là hoạt động giao tiếp xã hội được dân tộc ta xem trọng, thể hiện qua sự xuất hiện đa dạng của hoạt động này trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Những câu như “Chim khôn hót tiếng rảnh rang,/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe” hay câu “Lời nói chẳng mất tiền mua,/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” là những minh chứng quen thuộc về vai trò của lời nói trong việc hình thành văn hóa ứng xử, nhân cách con người.
Đối với trẻ nhỏ, lời nói là cách thức giao tiếp sơ khai và đơn giản nhất để trẻ tương tác hiệu quả với trẻ đồng trang lứa hoặc với người lớn. Vì bởi, trẻ còn nhỏ tuổi, chưa hiểu được những hành động xã hội mang ý nghĩa giao tiếp khác (như ngôn ngữ cơ thể), cho nên lời nói chính là kênh giao tiếp quyết định, phản ánh rõ nét tính cách của trẻ.
Một số lỗi về “ăn nói” thường gặp ở trẻ là tranh nói, nói nhiều, nói cướp lời người khác, nói dối, nói xạo hoặc nói lan man. Đây đều là những lỗi giao tiếp đơn giản, có thể khắc phục nhanh và dứt điểm để tránh hệ quả trong nhân cách của trẻ về sau. Mặt khác, thông qua hoạt động “nói” của trẻ, cha mẹ cũng có thể biết được tình trạng sức khỏe hô hấp, thần kinh của trẻ. Ví dụ, trẻ từ 3 tuổi trở lên mà hoạt động nói chậm thậm chí không nói, cha mẹ nên đưa trẻ đến các trung tâm y tế, bệnh viện tai – mũi – họng để được theo dõi sức khỏe. Trẻ nói khàn tiếng, hơi thở khò khè cũng là biểu hiện của một số bệnh viêm nhiễm đường hô hấp. Riêng trường hợp trẻ tắt tiếng, ho khan và đau họng mỗi trời lạnh, đây có thể là biểu hiện của triệu chứng viêm amidan. Tóm lại, bên cạnh việc giáo dục giao tiếp cho trẻ, phụ huynh có thể theo dõi sức khỏe con em mình thông qua hoạt động giao tiếp hằng ngày của trẻ.
Học gói, học mở – Ý nghĩa thâm thúy từ hình tượng đơn giản
Không dễ giải thích như hai hoạt động đầu tiên, “Học gói, học mở” khiến nhiều người tranh luận về ý nghĩa và bài học thật sự ẩn phía sau. Theo chúng tôi, “gói” và “mở” là những hành động cần sự khéo léo, cẩn trọng, nói cách khác là cần có kỹ năng. Đồng thời xét về vị trí trong câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mỡ”, “gói” và “mở” là những kỹ năng kế thừa từ việc “ăn”, “nói”. Theo sự diễn giải của chúng tôi, hai kỹ năng này chính là hai mặt của một hành động duy nhất: thể hiện bản thân trong giao tiếp, ứng xử. Vì sao vậy?
“Gói” biểu thị hành động che dấu, kiềm chế cái “tôi” trong giao tiếp ứng xử. Thật vậy, trẻ cần được dạy bài học về kiểm soát cái tôi từ rất nhỏ, qua đó sớm hình thành tính cách khiêm nhường, khiêm tốn và biết tôn trọng người khác. Ngược lại, “mở” biểu thị hành động thể hiện cái tôi trong giao tiếp ứng xử. Vì sao lúc “gói” lúc “mở”, lúc lại kiềm chế, lúc lại thể hiện? Vì bởi, con người nói chung và trẻ em nói riêng thật sự cần cả hành động trên trong suốt quãng đường đời của mình. Bạn vẫn biết sống phải khiêm tốn, khiêm nhường nhưng không đến mức bạc nhược. Đôi lúc, bạn cần thể hiện bản thân sao cho giá trị mà mình mang lại được người khác tôn trọng và tiếp nhận xứng đáng. Có thể nói, đây là những kỹ năng khó, cần phải được học tập, trau dồi, rút kinh nghiệm trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, nền móng đầu tiên vẫn từ khi chúng ta còn bé.
Tóm lại, câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở” mang đến bài học giáo dục rõ ràng về hành vi xã hội chuẩn mực, thích hợp cho các bậc làm cha mẹ áp dụng dạy dỗ con cái từ lúc nhỏ. Đồng thời, người lớn cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm sống thực tiễn cho bản thân từ câu tục ngữ đơn giản mà thâm thúy này.